NGHỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH TÒA NHÀ 11-01-2022 07:29:52

“Quản lý vận hành tòa nhà” hay “quản lý vận hành dự án bất động sản”, cụm từ này giờ đã không mấy xa lạ với người dân sinh sống, làm việc tại các đô thị lớn trải dọc Đất nước như Thủ đô Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng hay Phú Quốc... hiện nay nghề “Quản lý vận hành tòa nhà” được nhận định là một ngành nghề có tương lai phát triển vô cùng rộng mở. Tuy nhiên, có lẽ còn ít người biết đến sự ra đời của hoạt động này cụ thể vào thời điểm nào, chỉ biết rằng nó gắn liền với sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các tòa cao ốc, khách sạn, chung cư cao tầng trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam từ nửa cuối của Thế kỷ XX.

Một trong những công trình đầu tiên của Thủ đô (mà theo quy định hiện nay buộc phải có đội ngũ quản lý, vận hành) không phải là một khách sạn, văn phòng làm việc của cơ quan hành chính hay trụ sở ngân hàng... mà là một tòa nhà của bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng Việt Nam – Thụy Điển mà nay là Bệnh viện Nhi Trung Ương, một khối nhà 7 tầng được trang bị hiện đại bậc nhất vào thời kỳ đó, đi kèm hệ thống thang máy, do Chính phủ và nhân dân Thụy Điển tài trợ xây dựng. Tiếp đến là một khách sạn hiện đại cao 11 tầng, kiêu hãnh soi mình xuống mặt hồ Giảng Võ, được khánh thành vào những năm đầu thập kỷ 80 của Thế kỷ trước, rồi lần lượt những tòa nhà sừng sững mọc lên trên các con phố lớn tại trung tâm như Khách sạn Melia Hà Nội, khách sạn HaNoi Tower... Đánh dấu sự ra ra đời và phát triển mạnh mẽ của những tòa cao ốc, các Khu đô thị mới cao tầng tại Thủ đô.

Trong những năm 70 của Thế kỷ XX, Hà Nội cũng đã có nhiều khu chung cư, mà thời đó gọi là “Khu tập thể” hay “nhà tập thể cao tầng”, điển hình là các khu như tập thể Nguyễn Công Trứ, tập thể Kim Liên – Trung Tự hay Giảng Võ – Thành Công... hầu hết các khu tập thể này được quy hoạch một cách hết sức đồng bộ và khoa học với đặc điểm chung: những tòa nhà 5 tầng bằng bê-tông lắp ghép và không có thang máy. Cũng có lẽ, những người công nhân thuộc các công ty, xí nghiệp xây dựng của Thủ đô thời kỳ này, chính là những người đầu tiên thực hiện các công việc mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là “quản lý – vận hành” hay “bảo trì – bảo dưỡng” nhà chung cư, tòa nhà cao tầng tại miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.

Ảnh khu Tập thể và tòa nhà Khách sạn Giảng Võ (chụp năm 1985).

Chắc rồi đây sẽ có những nghiên cứu, những thông tin cụ thể, chính xác hơn về sự ra đời và lịch sử hình thành của nghề quản lý, vận hành tòa nhà tại Việt Nam. Xã hội sẽ ngày một phát triển và trong tương lai không xa, những tòa nhà được tự động hóa và quản lý bằng AI – “trí tuệ thông minh” sẽ không còn hiếm. Nhưng có một thực tế không dễ thay đổi, là để một tòa cao ốc, một cụm nhà chung cư, hay thậm chí là một đô thị hiện đại... có thể thực sự SỐNG, luôn cần có sự đóng góp quan trọng của các BẠN, không phân biệt BẠN đang làm việc tại vị trí kỹ thuật, vệ sinh hay an ninh, dịch vụ...vì dù ở bất kỳ bộ phận nào, chỉ cần BẠN đặt tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết vào công việc, BẠN hoàn toàn có quyền TỰ HÀO về tầm quan trọng của nghề nghiệp mình đang theo đuổi, nghề QUẢN LÝ – VẬN HÀNH TÒA NHÀ.

Các BẠN chính là những mắt xích không thể thiếu trong chuỗi dây chuyền tạo ra sức sống và tinh thần cho những tòa nhà – khu đô thị nơi BẠN làm việc./.

 

Hà Nội, tuần đầu của năm 2022.